Làm gì khi đồng nghiệp thân thiết trở thành cấp trên?

Thực tế chứng minh rằng có nhiều bạn bè nơi công sở có thể giúp mọi người tăng năng suất và hiệu quả làm việc. Tuy nhiên, kết quả công bố từ hai nhà nghiên cứu của Wharton, Julianna Pillemer và Nancy Rothbard, lại cho thấy mối quan hệ bạn bè với các đồng nghiệp cũng có mặt trái của nó, đặc biệt là khi những thứ tốt cho tình bạn lại xung đột với điều tốt cho tổ chức.
Lấy ví dụ: Giả sử có 2 đồng nghiệp tên là An và Bình, đã cộng tác với nhau trong cùng một nhóm hơn 5 năm và trở thành đôi bạn thân luôn hỗ trợ, chỉ dẫn và động viên nhau trong mọi thách thức công việc. Họ còn thường xuyên gặp gỡ, vui chơi cùng người thân của đôi bên vào những dịp cuối tuần. Cả hai rất trân trọng và vui vẻ vì mình có bạn thân là đồng nghiệp.
Nhưng chẳng may, thời gian gần đây, một vấn đề căng thẳng xuất hiện giữa An và Bình. Sếp quản lý nhóm nói với An rằng cả hai người họ đều đang được cân nhắc thăng chức, người được chọn giữ vị trí đó sẽ trở thành giám sát của người kia. Trong khi cả hai đều hào hứng với khả năng thăng tiến này, họ cũng cảm thấy không thoải mái. Mối quan hệ giữa họ từ trước đến nay luôn là hỗ trợ lẫn nhau, không có sự ganh đua hay cạnh tranh. Nhưng để phát triển sự nghiệp cùng như cải thiện điều kiện sống cho gia đình, cả hai đều có lý do chính đáng để muốn cơ hội thăng tiến thuộc về mình.
Sau nhiều sự xem xét cùng một vòng phỏng vấn đầy căng thẳng, cuối cùng An được bổ nhiệm, còn Bình cảm thấy khá buồn phiền lẫn thất vọng. Trong khi mừng cho An, Bình đồng thời cảm thấy lòng tự tôn bị tổn thương. Người bạn thân nhất của Bình giờ hoá thành cấp trên, điều này có nghĩa rằng sự lúng túng nhất định sẽ xuất hiện và chắc chắn ảnh hưởng ít nhiều đến khả năng phối hợp trong công việc.
Nếu là Bình, bạn sẽ làm gì trong tình huống này? Lựa chọn của bạn ra sao nếu mình và người đồng nghiệp thân thiết nhất, cả hai đều nhắm đến một chỗ đứng? Hoặc trong bất kỳ kịch bản nào khác, khi bạn phải đứng trước cuộc cạnh tranh mà hễ người này chiến thắng nghĩa là người bạn thân còn lại thua cuộc? Cùng  xem ngay vài lời khuyên giúp đối diện với câu hỏi hóc búa này nhé!
Đầu tiên, cân bằng cảm xúc và quan điểm là vô cùng quan trọng. Hãy nhắc nhở bản thân rằng đây chỉ là một trong số rất nhiều cơ hội thăng tiến xuất hiện trong quỹ đạo sự nghiệp của bạn. Người ta thường nói câu “nhìn cây mà chẳng thấy rừng”, đừng để các tình huống giàu cảm xúc khiến bản thân bị mất tầm nhìn bao quát lẫn quan điểm. Các nghiên cứu khi chụp ảnh não cho thấy, khi ta căng thẳng hoặc lo lắng, lí trí và khả năng suy luận bị tác động tiêu cực. Lùi lại một bước, giữ vững quan điểm và cân nhắc mọi thứ dưới góc nhìn rộng hơn sẽ giúp ích cho bạn.
Sau tất cả, còn gì tuyệt vời bằng việc có một cấp trên trực tiếp rất tôn trọng, yêu thích và thấu hiểu bạn hơn bất kỳ ai khác? Các nghiên cứu cụ thể có liên quan đã chỉ ra rằng mối quan hệ với sếp có liên quan trực tiếp đến sức khoẻ tim mạch của mọi nhân viên. Vì thế, một trưởng nhóm bạn thích và họ cũng thích bạn là lợi thế cực kỳ lớn. Người giám sát luôn đánh giá cao và quan tâm đến bạn nhiều khả năng sẽ hỗ trợ và thúc đẩy sự nghiệp bạn tiến xa. Chẳng hạn như trong ví dụ của chúng ta, Bình biết rằng An sẽ luôn bên cạnh đảm bảo cho anh ấy.
Quan điểm cũng sẽ giúp bạn nhận thức rằng tình bạn có lẽ quan trọng với bạn hơn sự thăng tiến. Kết nối xã hội là một trong những nhu cầu lớn nhất, chỉ sau ăn uống và chỗ ở. Chúng ta thường hạnh phúc và gắn kết với công việc hơn khi có mối quan hệ xã hội tích cực với những đồng nghiệp, thậm chí nhiều hơn so với việc được nhận lương cao. Mặt khác, sự cô đơn có thể gây hại cho cả tâm lý lẫn thể chất, như nhà tâm lý học nổi tiếng John Cacioppo đã đề cập trong quyển sách “Loneliness: Human Nature and the Need for Social Connection” (tạm dịch “Cô đơn: Bản chất con người và Sự cần thiết cho kết nối xã hội”) mà ông viết chung với William Patrick. Tình bạn công sở dẫn đến một loạt các lợi ích cho chúng ta cả về mặt cá nhân lẫn sự nghiệp, bao gồm nâng cao hiệu suất làm việc và giảm tỷ lệ bị kiệt sức. Thay vì sống với nỗi bất hạnh trong đường sự nghiệp của mình, bạn hãy nhắc bản thân nên vui mừng cho phát triển của người đồng nghiệp chí cốt. Mối liên hệ xã hội này có lợi cho cả hai hơn là mãi chìm sâu vào cảm giác mất mát, suy sụp.

Thứ hai, kiểm soát những cảm xúc về giá trị bản thân, để hiểu mà chấp nhận thực tế và không tự hạ thấp, dằn vặt hay trách móc chính mình. Kết quả của quyết định chọn người được thăng chức không hẳn là cuộc đánh giá toàn diện về bạn. Đôi khi những sự đề bạt diễn ra khá chủ quan, thậm chí độc đoán. Không phải lúc nào cũng theo tiêu chí: Ai sẽ tốt hơn cho công việc? Như hầu hết tình huống thực tế, những người được chọn “đi trước” thường do sở hữu năng lực quản lý, khả năng giao tiếp và phát triển mối quan hệ tốt hơn, chứ không dựa trên kỹ năng chuyên môn hay trình độ kỹ thuật cao. Chúng ta đều biết rằng “chính trị” gần như đóng vai trò quan trọng nhất trong loại quyết định này. Kết quả cất nhắc một ai đó có thể ít liên quan đến kỹ năng thực tế của họ, mà hơn thế nữa, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố ngoài tầm kiểm soát.
Thứ ba, giao tiếp và lập kế hoạch chính là chìa khoá. Hãy trò chuyện với người bạn ấy nhằm giải toả tình huống căng thẳng. Kể về cảm giác không thoải mái của bạn. Chia sẻ quyết tâm rằng bạn không để tình huống công việc này ảnh hưởng đến giao tình của đôi bên. An và Bình đều sẽ được lợi từ việc thảo luận về những gì cả hai mong muốn trong cách giao tiếp công việc, cũng như tìm ra giải pháp để tình trạng mất cân bằng quyền lực sắp tới không ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ cá nhân. Ngay cả khi một quyết định hợp lý chưa được đưa ra, hành động này vẫn giúp cả An lẫn Bình suy nghĩ về những phương án khả thi cũng như nỗ lực duy trì tình bạn.
Không thể phủ nhận những mặt trái của việc kết giao bạn bè trong công việc. Tuy nhiên, nên nhớ là tình huống khó khăn nào rồi cũng sẽ tìm được cách điều hướng. Giải pháp cho thử thách này chính là vận dụng trí tuệ cảm xúc để đảm bảo rằng bạn, và cả tình bạn của bạn, sẽ tồn tại bền lâu bất kể chuyện ngoài ý muốn gì xảy ra trong tổ chức.
(Nguồn ảnh: Internet)
Labels:

Đăng nhận xét

[facebook] [blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.