Latest Post

🍀Là những người bố, người mẹ chúng ta ít hay nhiều đều đã từng trải qua những tình huống khó xử với các con của chúng ta.
🍀 Có những người bố, người mẹ đã rất thấu hiểu con nhưng bên cạnh đó cũng có những người bố, người mẹ chưa hiểu tâm lý của con, chưa kiểm soát đc cảm xúc của bản thân và cũng đã có những lời nói và hành động k chuẩn mực với các con phải k nào?
🍀K bao giờ là quá muộn, chúng ta hãy cùng nhau: THAY VÌ NÓI ..........HAY THỬ NÓI.....
Mình tin chắc chắn rằng sẽ có điều kỳ diệu xảy ra











Trong thời đại công nghệ, việc quản lý thời gian càng trở nên thử thách khi con người bị phân tâm bởi sự ra đời ồ ạt của các ứng dụng công nghệ, mạng xã hội.
Dưới đây là một số giải pháp của trang Entrepreneur (Mỹ).
Rất nhiều người tham gia những lớp học, đọc sách hướng dẫn hoặc tận dụng các ứng dụng quản lý thời gian… nhưng mọi việc vẫn mù mờ, chẳng đến đâu. Cốt lõi vấn đề nằm ở chỗ cần xác định rõ có hai loại: thời gian thật sự (real time) và thời gian theo đồng hồ (clock time).
Nếu xét theo đồng hồ, sẽ là 60 giây trong một phút, 60 phút trong một giờ… Thời gian trôi qua ngang bằng nhau và hữu hạn. Khi ai đó 50 tuổi, nghĩa là họ trải qua khoảng thời gian tương ứng chính xác 50 năm.
Nhưng theo quan điểm về điều tạm gọi là "thời gian thật sự", thời gian sẽ được tính hay cảm nhận dựa trên điều bạn đang làm. Chẳng hạn như việc trải qua hai giờ đồng hồ tại một nơi không yêu thích có thể khiến chúng ta tưởng như kéo dài 12 năm.
Hầu hết các công cụ quản lý thời gian đều chỉ dùng để quản lý mốc thời gian theo đồng hồ, và không mấy hiệu quả với thời gian thật sự.
Việc quản lý thời gian thật sự chỉ hiệu quả khi chúng ta nhận thức đó là dựa vào tinh thần, vào nhận thức của chính chúng ta. Bạn có bao giờ thầm nghi ngờ về câu nói "Tôi không có đủ thời gian để làm điều gì đó" của chính mình hay của một ai đó?
Có thể tham khảo các giải pháp gợi ý dưới đây.
Hãy ghi lại các mốc thời gian trải qua trong một tuần
Việc ghi và ngẫm lại khoảng thời gian dành cho từng dự án, các buổi trò chuyện và hoạt động trong tuần… sẽ giúp bạn hiểu được quỹ thời gian đã đi về đâu, hiệu quả xử lí công việc của bản thân như thế nào.
Ấn định quỹ thời gian cho từng công việc
Dành thời gian soi rọi, tập trung suy nghĩ về khoảng thời gian ấn định cho từng công việc hay cuộc hẹn quan trọng. Lên lịch bắt đầu và kết thúc cụ thể cho từng đầu việc và hãy áp dụng "kỉ luật sắt" với bản thân trong điều này.
"Lên lịch" cho cả sự gián đoạn
Điều này sẽ giúp chúng ta phần nào chủ động, xử lí công việc hiệu quả hơn. Chẳng hạn việc các giáo sư đại học thường có "office hours" (khoảng thời gian họ không đứng lớp hay nghiên cứu mà thường ngồi tại văn phòng để có thể hỗ trợ chuyên môn, trả lời thắc mắc cho các sinh viên... Nếu đang trong giai đoạn tập trung nghiên cứu thì ắt hẳn họ sẽ không mặn mà với việc bị sinh viên tạt ngang hỏi bài).
"Office hours" trong trường hợp này chính là những sự gián đoạn được "lên lịch".
Nguyên tắc "5 phút"
Trước mỗi công việc hay đơn thuần là các cuộc gọi, hãy dành 5 phút xác định rõ mục tiêu mong muốn. Sau khi thực hiện xong điều cần làm, bạn hãy dành tiếp 5 phút để xem bản thân đã đạt được điều mong muốn? Nếu chưa thì vì sao, bản thân đã bỏ lỡ điều gì?
Chặn mạng xã hội và chủ động báo mọi người "tôi đang bận"
Hãy để bảng "vui lòng không làm phiền" trước cửa phòng hoặc chuyển điện thoại sang chế độ "không làm phiền"… khi bạn thật sự muốn tập trung cho công việc quan trọng.
Luyện tập việc không trả lời điện thoại hay phản hồi email ngay khi bạn nhận được. Bạn chỉ nên làm những điều này trong một mốc thời gian quy định nào đó trong ngày.
Hãy tắt tất cả mạng xã hội để bạn không bị phân tâm.
Đưa ra những mục tiêu thực tế
Một điều quan trọng cần nhớ là chúng ta không thể làm hết tất cả điều bản thân mong muốn. Chỉ cần dồn sức vào những điều quan trọng và thực tế nhất bởi theo Nguyên lý 80/20 (hay còn gọi là Nguyên lý Pareto), có thể thấy 80% kết quả công việc hoặc đầu ra đến từ 20% thời gian chúng ta nỗ lực đầu tư cho "đầu vào".
  Theo Báo tuổi trẻ online

Trong bài báo "Malcolm Gladwell Got Us Wrong," các nhà nghiên cứu về quy tắc 10.000 giờ cho rằng những ngành nghề khác nhau đòi hỏi thời lượng rèn luyện khác nhau để một cá nhân có thể trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó.
Nếu như quy tắc 10.000 giờ không phải là nguyên tắc bất di bất dịch trong mọi hoàn cảnh thì thời lượng thế nào là hợp lý cho mỗi người?
Nhiều nhà lãnh đạo như Elon Musk, Oprah Winfrey, Bill Gates, Warren Buffett, và Mark Zuckerberg, dù bận rộn đều dành ra 1 giờ mỗi ngày (khoảng 5 giờ mỗi tuần) để dành cho các hoạt động phát triển bản thân.
Chúng tôi gọi đây là quy tắc 5 giờ, và các nhà lãnh đạo thường dùng cho 3 hoạt động chính: đọc sách, suy ngẫm và thử nghiệm.
1. Đọc sách

Theo một bài báo của tạp chí Harvard Business Review, "nhà sáng lập thương hiệu Nike là Phil Knight còn đề ra quy tắc là bước vào thư viện sách của ông phải bỏ giày dép và cúi đầu chào.
Oprah Winfrey cũng đề cập nhiều lần về việc sách góp phần không nhỏ trong thành công của bà: "Sách là cánh cửa đến sự tự do cá nhân”, cũng như chia sẻ thói quen đọc sách với mọi người trên thế giới thông qua câu lạc bộ sách của mình.
Không chỉ có những doanh nhân này, nhiều tỷ phú khác cũng dành thời gian đáng kể để đọc sách:  
  • Arthur Blank, đồng sáng lập Home Depot, đọc 2 giờ mỗi ngày.
  • Tỷ phú doanh nhân David Rubenstein (đồng sáng lập Carlyle Group) đọc 6 quyển sách mỗi tuần.
  • Dan Gilbert, tỷ phú và chủ công ty Cleveland Cavaliers, đọc từ 1-2 giờ mỗi ngày.
2. Hồi tưởng và suy ngẫm
Quy tắc 5 giờ cũng được dùng cho việc hồi tưởng lại những việc xảy ra và suy ngẫm về mọi việc.
CEO của AOL Tim Armstrong đã yêu cầu nhân viên cấp cao của ông dành ra 4 giờ mỗi tuần để suy nghĩ. CEO của LinkedIn Jeff Weiner cũng dành ra 2 giờ suy nghĩ mỗi ngày.
Khi Reid Hoffman (sáng lập PayPal) cần sự giúp đỡ để suy nghĩ ra các ý tưởng mới, ông sẽ gọi những người bạn sau đây: Peter Thiel, Max Levchin (đồng sáng lập PayPal), hay Elon Musk (đồng sáng lập PayPal và Tesla).
Tỷ phú doanh nhân Sara Blakely (sáng lập hãng đồ lót Spanx và là nữ tỷ phú trẻ nhất thế giới hiện nay) chia sẻ rằng cô có hơn 20 quyển sổ tay ghi chép những điều tồi tệ nhất đã xảy ra với cô và những kết quả đã đạt được từ việc hồi tưởng suy ngẫm này.
3. Thử nghiệm
Cuối cùng, quy tắc 5 giờ cũng được áp dụng vào việc thử nghiệm nhanh chóng.
Trong suốt cuộc đời mình, Ben Franklin đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, giao lưu với những cá nhân kiệt xuất có cùng ý nghĩ, và đo lường tên tuổi của mình. Google cũng khuyến khích nhân viên dành ra 20% thời gian làm việc để thử nghiệm những ý tưởng mới và Facebook cũng có chương trình tương tự mang tên Hack-a-Month.
Ví dụ điển hình của việc thử nghiệm phải kể đến Thomas Edison. Dù là thiên tài, ông luôn đưa ra các phát minh với sự khiêm nhường, đề xuất các giải pháp khả thi và kiểm tra theo hệ thống rõ ràng. Dù ông hiểu được tất cả các khái niệm lý thuyết, ông luôn cảm thấy chúng vô ích nếu như ông không tìm ra được giải pháp cho những vấn đề tiềm ẩn chưa được gọi tên.
Sức mạnh của quy tắc 5 giờ: tỉ lệ hoàn thiện bản thân
Những người áp dụng quy tắc 5 giờ đều có lợi thế hơn những người khác. Việc học hành hoặc luyện tập kỹ năng chuyên môn đều được xem là phải dành quá nhiều thời gian tập trung, và nhiều người nhầm lẫn giữa năng suất lao động và hiệu quả làm việc, chứ không cải thiện được bản thân. Do đó, chỉ cần dành riêng ra 5 giờ hàng tuần là bạn đã đầu tư vào việc cải thiện bản thân mình với thời gian hợp lý.
Tỷ phú doanh nhân Marc Andreessen (nhà đầu tư mạo hiểm tại thung lũng Silicon) nhận xét: “Việc Mark Zuckerberg trở thành tỷ phú từ lúc 22 tuổi đã thay đổi nhiều nhìn nhận về việc tích lũy kỹ năng cá nhân. Nếu bạn tiếp xúc với nhiều CEO tuyệt vời như Mark, bạn sẽ thấy rằng Mark hay bất kỳ CEO nào khác đều rất thông thạo về việc vận hành công ty. Và bạn hầu như không thể dựa vào cảm giác của mình để làm những việc này ở những năm 20 tuổi. Bạn phải trải qua một quá trình rèn luyện để tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng.”
Chúng ta cần xem quy tắc 5 giờ giống như những bài tập thể lực
Cụm từ “học tập suốt đời” đôi khi có vẻ rất sáo rỗng. Do đó mỗi người cần suy nghĩ nghiêm túc về việc dành thời gian tự trau dồi bản thân để sự nghiệp luôn thành công và vững chắc.
Cũng giống như việc bổ sung vitamin và tập thể dục hàng ngày để cơ thể khỏe mạnh, trong xã hội thông tin chúng ta phải tích cực cập nhật kiến thức liên tục để cơ thể và tinh thần đều trong trạng thái hoạt động tốt.
Về lâu dài, nếu bạn không học hỏi thêm thì tác hại cũng sẽ giống như không rèn luyện thể chất. CEO của AT&T cho rằng “ai không học thì sẽ tự già cỗi với công nghệ”, trong một bài trả lời phỏng vấn áo The New York Times. 
  Nguồn: Inc.

2 câu chuyện ngắn dưới đây sẽ giúp ta hiểu rõ về 2 tính xấu đặc trưng của con người mà ai cũng nhìn thấy một phần bản thân ở trong đó.
Con người sinh ra không ai là hoàn hảo, ai cũng tồn tại 2 mặt “tốt” và “xấu”. Chỉ khi học tính tốt, bỏ tính xấu, thì tâm hồn con người trở nên thanh khiết, tươi đẹp và toàn diện hơn.
1. Bác nông dân mãi nghèo khổ
Có một bác nông dân dậy từ rất sớm, nói với vợ sẽ đi làm đồng, lúc ra đến ruộng mới phát hiện máy cày hết dầu. Vốn định đổ thêm dầu, thế nhưng bỗng nhiên bác nghĩ đến ba bốn con lợn ở nhà vẫn chưa cho ăn, thế là bác ta lập tức quay về nhà.
Đi qua nhà kho thấy vài củ khoai tây, bác liền nghĩ đến khoai tây có khả năng nảy mầm, thế là lại đi ra ruộng cấy khoai tây. Khi đi qua đống củi, lại nhớ ra trong nhà thiếu củi, đúng lúc đi lấy củi thì nhìn thấy con gà ốm nằm trên đất…
Cứ như vậy bác nông dân chạy đi chạy lại, cuối cùng từ sáng tinh mơ cho đến khi mặt trời lặn, bác vẫn chưa đổ dầu vào máy, lợn cũng chưa cho ăn, ruộng cũng chưa cày, khoai cũng chưa trồng… cuối cùng chẳng có việc nào làm ra hồn.
Bài học suy ngẫm
Trong cuộc sống, có rất nhiều người cũng như bác nông dân trong câu chuyện trên. Họ không kiên trì quyết đoán, như vậy thường rất khó hoàn thành bất cứ việc gì.
Giống như một số bạn trẻ một năm thay đổi mấy nơi làm việc, lẽ nào tất cả công ty họ làm trước đó đều không tốt? Câu trả lời tất nhiên là không. Rất có thể họ đã gặp vấn đề nào đó về tâm lý. Kết quả là chẳng có việc nào thành công, cốt lõi của vấn đề chính là thiếu tính kiên nhẫn.
2. Ổ khóa và chìa khóa: Cái nào quan trọng hơn?
Một đêm nọ, ổ khóa đánh thức chìa khóa dậy rồi trách móc: “Ngày nào tôi cũng vất vả giữ nhà cho chủ nhân, thế mà chủ nhân lại thích anh, lúc nào cũng mang theo anh bên mình, thật ghen tỵ với anh quá!”. Còn chìa khóa cũng không phục: “Ngày nào anh cũng ở nhà, chơi bời thoải mái, thật là nhàn hạ chứ không như tôi cứ lặn lội gió mưa vô cùng cực khổ, tôi càng ghen tỵ với anh hơn đấy!”
Có một lần, chìa khóa cũng muốn được hưởng thụ cảm giác nhàn hạ của ổ khóa nên tự mình giấu mình đi. Sau khi chủ nhân về không tìm thấy chìa khóa nên tức giận phá hỏng ổ khóa rồi vứt nó vào thùng rác. Sau khi vào phòng, chủ nhân lại tìm thấy chìa, ông ta lại tức giận nói rằng: “Ổ khóa vứt rồi giờ giữ lại nhà ngươi còn có ích gì nữa”. Nói xong, chủ nhân liền vứt luôn chìa vào thùng rác.
Trong thùng rác, ổ khóa và chìa khóa gặp lại nhau, cả hai cùng than thở: “Hôm nay cả hai chúng ta đều rơi vào hoàn cảnh như thế này là vì chúng ta không nhận ra giá trị cũng như công sức của đối phương mà lại đứng núi này trông núi nọ, lúc nào cũng tính toán chi li, đố kỵ lẫn nhau, nghi ngờ lẫn nhau”.
Bài học suy ngẫm
Sự ghen ghét luôn là một đặc tính của con người. Trong xã hội hiện nay, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, mối quan hệ giữa người với người ngày càng phức tạp, tâm lý ganh ghét, đố kỵ càng trở nên phổ biến.
Sự ganh ghét, đố kỵ sẽ phá hoại mối quan hệ giữa người với người. Vì ganh ghét, đố kỵ mà hòa khí bị rạn nứt, đổ vỡ, sức mạnh đoàn kết và sự hợp tác của tập thể bị tổn thương. Lòng ganh ghét, đố kỵ còn cản trở con người phát triển tài năng. Trong một tập thể chỉ cần nảy sinh một chút lòng ganh ghét, đố kỵ là nội bộ lủng củng, mất đoàn kết, mọi người không sao sống thân thiện, thoải mái, chân tình với nhau, nhân tài sẽ không có môi trường thuận lợi để phát huy tác dụng.
(Nguồn hình: Internet)

Giảm 0,5 % mức đóng vào quỹ BHTN, bệnh nghề nghiệp, chế độ tiền công đối với người lao động làm việc theo hình thức cộng đồng..là những chính sách có hiệu lực kể từ 1/6/2017.
Giảm 0,5 % mức đóng vào quỹ BHTN, bệnh nghề nghiệp
Từ ngày 01/6/2017, Nghị định 44/2017/NĐ-CP quy định mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ BH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, người sử dụng lao động hằng tháng đóng vào Quỹ BH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật an toàn, vệ sinh lao động với mức như sau:
- 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động được quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2014, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình.
- 0,5% trên mức lương cơ sở đối với người lao động được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2014.
(Mức đóng hiện nay là 1.0 % trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động hoặc trên mức lương cơ sở).
Quy chuẩn khối lượng kiến thức tối thiểu của người tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng nghề
Đây là nội dung nổi bật được đề cập tại Thông tư 12/2017/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/6/2017) quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng.
Theo đó, người học sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp phải đảm bảo các kỹ năng sau:
- Có năng lực ngoại ngữ bậc 1/6 Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam.
- Kỹ năng nhận thức, nghề nghiệp thực hiện nhiệm vụ, giải quyết vấn đề bằng việc lựa chọn và áp dụng các phương pháp cơ bản, công cụ, tài liệu và thông tin.
- Kỹ năng sử dụng các thuật ngữ chuyên môn của ngành, nghề đào tạo trong giao tiếp hiệu quả tại nơi làm việc; phản biện và sử dụng các giải pháp thay thế; đánh giá chất lượng công việc và kết quả thực hiện của các thành viên trong nhóm.
Trang phục của cán bộ, công chức và người lao động Cục Hàng không Việt Nam
Thông tư 11/2017/TT-BGTVT bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/6/2017 và thay thế cho Thông tư 40/2012/TT-BGTVT quy định về trang phục của cán bộ, công chức, viên chức Cục Hàng không Việt Nam.
Điểm mới nổi bật của Thông tư này là quy định về trang phục với cả lao động hợp đồng (trước đây tại Thông tư 40 không quy định).
Chế độ tiền công đối với người lao động làm việc theo hình thức cộng đồng
Thông tư 11/2017/TT-BLĐTBXH quy định người lao động đăng ký tham gia dự án, hoạt động thực hiện chính sách việc làm công (làm việc theo hình thức cộng đồng) được thỏa thuận tiền công nhưng phải đảm bảo:
- Không thấp hơn lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm đủ 8 giờ/ngày và 26 ngày/tháng.
- Trường hợp người lao động làm không đủ 8 giờ/ngày hoặc 26 ngày/tháng thì tiền công tính theo giờ và không được thấp hơn tiền lương tối thiểu vùng chia 26 ngày và chia 8 giờ.
- Trường hợp người lao động làm thêm giờ thì được thanh toán tiền công theo giờ nhưng không được thấp hơn tiền lương tối thiểu vùng chia 26 ngày và chia 8 giờ.
Ngoài ra, Thông tư 11/2017/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực từ ngày 15/6/2017) cũng quy định người lao động được thỏa thuận thời gian làm việc như sau:
- Không quá 8 giờ/ngày.
- Trường hợp làm thêm thì tổng số giờ làm việc và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày.
- Người lao động được nghỉ ít nhất 1 ngày/tuần hoặc trung bình 4 ngày/tháng đối với trường hợp chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần.
Theo Đời sống & Pháp lý

Đã trở thành sếp, chắc chắn bạn muốn mình trở thành một người sếp giỏi – một nhà quản lý “siêu sao”. Điều đó thật không dễ dàng để đạt được ngay trong thời gian ngắn! Bạn cần nỗ lực không ngừng, tự tích lũy những kiến thức từ thực tế công việc và luôn sẵn sàng học hỏi từ kinh nghiệm của những nhà quản lý đi trước.
Các bí quyết sau đây hy vọng là những chia sẻ hữu ích cho bạn.
1/ ĐẶT RA CÁC MỤC TIÊU CÔNG VIỆC RÕ RÀNG
Để trở thành Quản lý giỏi, bạn cần phải tự tin và quyết đoán để lãnh đạo nhân viên đạt được các mục đích và mục tiêu của công ty. Điều này cũng bao gồm việc lên kế hoạch những gì cần phải làm và phân công nhiệm vụ đúng người, đúng việc. Trở thành một nhà lãnh đạo mạnh mẽ cũng đồng nghĩa với việc bạn phải sẵn sàng để đưa ra những quyết định khó khăn dưới sức ép thời gian và áp lực. Bạn cần phải tiên đoán những gì là tốt nhất cho thành công lâu dài của công ty
2/ LẮNG NGHE Ý KIẾN CỦA NHÂN VIÊN
Sự khác biệt giữa một nhà quản lý độc tài và nhà quản lý dân chủ là khả năng lắng nghe ý kiến phản hồi của nhân viên. Lắng nghe ý kiến nhân viên sẽ giúp bạn gần gũi hơn và tạo điều kiện cho nhân viên trình bày ý tưởng cá nhân của họ. Những ý tưởng cá nhân hay, những ý kiến đóng góp này luôn giúp bạn quản lý công việc của phòng ban hay đội nhóm do bạn lãnh đạo một cách tốt nhất. Cách quản lý độc tài sẽ khiến cho nhân viên xa lánh người quản lý của họ, phản ứng tiêu cực bằng cách lãn công hoặc tệ hơn nữa là nghỉ việc.
Một vài mẹo nhỏ có thể giúp bạn “lắng nghe” hiệu quả là:
– Tạo cơ hội cho nhân viên trình bày ý kiến của mình. Hãy nhớ rằng nhân viên của bạn sẽ rất thất vọng nếu bạn không lắng nghe ý kiến của họ. Các buổi họp nhóm là cơ hội để nhân viên của bạn trình bày ý kiến của họ. Bạn hãy nhớ đừng bao giờ dập tắt ngọn lửa đam mê của nhân viên khi họ đưa ra ý kiến của mình. Hãy lắng nghe và phản hồi đúng lúc.
– Phản hồi với những ý kiến nhân viên vừa trình bày. Cách để bạn thể hiện sự trân trọng và thấu hiểu ý kiến của nhân viên là tóm lược lại các ý chính sau khi họ trình bày ý kiến. Bạn hãy nhớ đừng vội vàng kết luận ngay sau khi nhân viên vừa trình bày xong, vì điều đó sẽ tạo cảm giác rằng bạn thiếu nhiệt tình, đang trong tình trạng vội vã và muốn kết thúc cuộc trao đổi càng sớm càng tốt. Vì vậy, trước khi bạn đưa ra nhận định, giải pháp của mình, hãy tóm lược bằng những câu như: “Như vậy, theo anh/chị, vấn đề ở đây là…?”
3/ CHỦ ĐỘNG HỌC TẬP
Đừng bao giờ coi việc học hành của mình đã đủ mà nên thường xuyên học hỏi. Hãy tưởng tượng bạn đã trở thành một quản lý, sẽ không ai bảo bạn phải làm gì, mà bản thân bạn phải tự biết mình phải làm gì để giải quyết tốt công việc. Vậy thì ngay từ lúc này, hãy luyện tập cho mình khả năng chủ động đó. Hãy đề nghị được làm những công việc trong khả năng và quyền hạn của mình, thậm chí cả những việc chưa bao giờ thử nhưng bạn có tự tin rằng mình sẽ làm tốt.
4/ KHEN THƯỞNG NHÂN VIÊN
Hãy nhớ rằng thành tích của bạn, nhà quản lý, được xây dựng trên chính thành quả công việc của nhân viên. Nếu bạn là nhà quản lý tốt, nhân viên của bạn sẽ đạt được thành quả cao nhất. Vậy bạn đừng quên thể hiện lòng trân trọng của mình đối với sự đóng góp nhiệt tình của nhân viên. Nếu nhân viên làm việc tốt bạn cần đề xuất công ty tưởng thưởng xứng đáng cho nhân viên có thành tích làm việc tốt, và đề bạt thăng chức họ. Song song đó, một cái bắt tay thật chặt, một nụ cười động viên, một cái vỗ vai thân tình… còn là những hình thức động viên có giá trị hơn cả những phần thưởng vật chất.
5/ TẦM NHÌN XA
Nhìn xa trông rộng là khả năng sáng tạo hoặc truyền cảm hứng về hành động hướng tới mục tiêu. Một người quản lý có vai trò quantrọng hơn một cá nhân rất nhiều. Người quản lý giỏi là người dường như luôn biết cách hoạch định tốt mọi công việc và là người cung cấp những lời khuyên hữu ích nhất cho những cộng sự hay thuộc cấp của mình.
Không chỉ có một tầm nhìn xa, người quản lý còn biết cách truyền đạt những ý tưởng của mình cho người khác hiểu để cùng với mình thực hiện tốt những ý tưởng đó. Những thông điệp được truyền đi phải luôn sinh động, rõ ràng và có sức thuyết phục cao. Do đó, sự thành thạo trong khả năng giao tiếp bằng lời nói luôn là phẩm chất cần có của một người quản lý giỏi.
S.T Bảo Ngọc
——————————

CÁC NGÀY LỄ TRONG NĂM

Tháng 1:
1-1-2008 : Tết Dương lịch
2-1-1963 : Kỷ niệm Chiến thắng Ấp Bắc
6-1-1946 : Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước VNDCCH
7-1-1979 : Chiến thắng biên giới Tây Nam chống quân xâm lược
9-1-1950 : Kỷ niệm ngày truyền thống học sinh, sinh viên VN
11-1-1960 : ngày tết trồng cây
13-1-1941 : Khởi nghĩa Đô Lương
27-1-1973 : Ký hiệp định Paris, về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở VN
29-1-1258 : Kỷ niệm chiến thắng Nguyên – Mông lần thứ nhất
Lễ hội


Tháng 2:
2-2-1908: Kỷ niệm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh
3-2-1930 : Thành lập Đảng CSVN
7-2-1418 : Kỷ niệm khởi nghĩa Lam Sơn
8-2-1941 : Lãnh tụ Hồ Chí Minh trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng VN
14-2 : Ngày tình nhân valentine
15-2-1943 : Kỷ niệm ngày mất của Kim Đồng
27-2-1955 : Ngày thầy thuốc Việt Nam
Tháng 3:
1-3-1948 : Kỷ niệm chiến thắng La Ngà
8-3-40 : Kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40 đến 2009 là 1969 năm)
8-3-1910 : Ngày Quốc tế Phụ nữ
10-3-1988 : Kỷ niệm ngày mất của đồng chí Phạm Hùng
11-3-1945 : Khởi nghĩa Ba Tơ
18-3-1979 : Chiến thắng quân Tq xâm lược trên biên giới phía Bắc
26-3-1931 : Ngày thành lập Đoàn thanh niên CS HCM
27-3-1946 : Kỷ niệm ngày Thể thao Việt Nam
Tháng 4:
25-4-1976 : Ngày tổng tuyển cử bầu quốc hội chung của cả nước
27-4-1998 : Kỷ niệm ngày mất của đồng chí Nguyễn Văn Linh
30-4-1975: Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Tháng 5:
1-5-1886 : Ngày quốc tế lao động
6-5-1951 : Ngày thành lập Ngân hàngViệt Nam
7-5-1954 : Chiến thắng Điện Biên Phủ
9-5-1945 : Chiến thắng chủ nghĩa phát xít
15-5-1941 : Thành lập Đội thiếu niên tiền phong HCM
19-5-1890 : Ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh
19-5-1941 : Thành lập mặt trận Việt Minh
Tháng 6:
1-6-1950 : Quốc tế thiếu nhi
5-6-1972 : Ngày môi trường thế giới
5-6-1911 : Nguyễn Tất Thành rời cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước
6-6-1941 : Ngày thành lập hội người cao tuổi VN
11-6-1948 : Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua Ái quốc
21-6-1925 : Ngày Báo chí cách mạng VN
Tháng 7:
2-7-1976 : Nước ta đổi quốc hiệu từ VNDCCH thành CHXHCN VN
11-7 : Kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới
15-7-1950 : Ngày truyền thống thanh niên xung phong
17-7-1966 : Hồ chủ tịch ra lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”
20-7-1954 : Kỷ niệm ngày ký hiệp định Giơnevơ
27-7-1947 : Ngày thương binh, liệt sĩ
28-7-1929 : Thành lập công đoàn VN
Tháng 8:
1-8-1930 : Ngày truyền thống công tác Tư tưởng Văn hóa của Đảng.
6-8 : Ngày chống vũ khí nguyên tử.
10-8 : Ngày vì nạn nhân chất độc màu da cam.
15-8-1945: Ngày chiến thắng phát-xít Nhật.
19-8-1945: chiến thắng Cách mạng tháng 8
19-8-1945 : Ngày thành lập Công an nhân dân Việt Nam
20-8-1888 : Ngày sinh chủ tịch Tôn Đức Thắng
26-8-1975 : Việt Nam là hội viên phong trào các nước không liên kết.
28-8 : Ngày truyền thống Văn phòng cơ quan hành chính Nhà nước.
Tháng 9:
2-9 : Quốc khánh (1945)/ Ngày chủ tịch HCM qua đời (1969)
12-9-1930 : Xô Viết Nghệ Tĩnh
20-9-1977 : VN trở thành thành viên Liên hiệp quốc
23-9-1945 : Nam Bộ kháng chiến
27-9-1940 : Khởi nghĩa Bắc Sơn
30-9-1988 : Kỷ niệm ngày mất của đồng chí Trường Chinh
Tháng 10:
1-10 : quốc tế người cao tuổi
10-10-1954 : Giải phóng thủ đô Hà Nội
13-10 : Ngày thành lập doanh nhân doanh nghiệp VN (lần đầu tiên tổ chức năm 2005)
14-10-1954 : Ngày thành lập Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội
14-10-1930 : Ngày thành lập hội nông dân Việt Nam
15-10 : Ngày thành lập hội liên hiệp thanh niên
15-10-1930 : Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng
20-10-1930 : Thành lập Hội liên hiệp phụ nữ VN
Tháng 11:
7-11-1917 : Kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga
15-11-1923 : Kỷ niệm ngày sinh của nhạc sĩ Văn Cao (tác giả quốc ca)
18-11-1930 : Ngày thành lập Mặt trận dân tộc Thống nhất VN
20-11 : Ngày nhà giáo VN
23-11-1940 : Khởi nghĩa Nam Kỳ
23-11-1946 : Thành lập Hội chữ thập đỏ VN
Tháng 12:
01-12 : Ngày Quốc tế Phòng chống bệnh AIDS
03-12 : Ngày Quốc tế người khuyết tật
6-12-1989 : thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam
10-12 : Ngày Quốc tế quyền con người
14-12 : Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tổ chức UNESCO (1946)
19-12-1946 : Toàn quốc kháng chiến
20-12-1960 : Kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam
22-12-1944 : Thành lập quân đội nhân dân VN
25-12 : Noel
26-12 : Ngày Dân số Việt Nam
31-12-1976 : Khánh thành tuyến đường sắt Thống nhất
+ Một số ngày lịch âm (có thể có thay đổi ở lịch dương) :
– Tết Nguyên đán (mùng 30, 1, 2, 3 âm lịch ; có thể rơi vào tháng 2, 3 dương lịch)
– Giỗ Tổ Hùng Vương: Mùng 10 tháng 3 âm lịch (thường rơi vào tháng 4 dương lịch)

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.